Bất động sản trầm lắng, đến 'vua thép Việt' cũng tụt dốc sản lượng
Bất động sản trầm lắng, đến 'vua thép Việt' cũng tụt dốc sản lượng
Tập đoàn thép Hòa Phát ghi nhận mức tiêu thụ thép không khả quan trong tháng 2.
Theo thông tin từ Tập đoàn Hòa Phát, trong tháng 2 vừa qua, Hòa Phát đã sản xuất 416.000 tấn thép thô, bằng 60% so với cùng kỳ 2022. Sản lượng bán thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC) và phôi thép đạt 475.000 tấn, bằng gần 70% so với tháng 2.2022.
Ngoài ra, Hòa Phát còn cung cấp cho thị trường 107.000 tấn ống thép, 48.000 tấn tôn mạ các loại, đạt tương ứng 83% và 68% so với sản lượng bán hàng 2 tháng đầu năm ngoái.
Đại diện Hòa Phát đánh giá: Sản lượng tiêu thụ các sản phẩm thép tại thị trường trong và ngoài nước đều giảm so với cùng kỳ. Điều này phản ánh hai trạng thái khác nhau của thị trường xây dựng đầu năm 2022 và 2023. Nếu như quý 1/2022, thép xây dựng tiêu thụ cao kỷ lục nhờ nhu cầu thị trường tăng trưởng mạnh thì sang năm 2023, thị trường trầm lắng do sức cầu yếu, dẫn đến mức tiêu thụ thép không khả quan.
Cụ thể, thép xây dựng đạt 282.000 tấn, giảm 37% so với tháng 2.2022. HRC của Hòa Phát ghi nhận 186.000 tấn, cao gấp hơn 2 lần so với tháng 1 nhưng giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Với sản phẩm hạ nguồn HRC, ống thép Hòa Phát tiêu thụ 54.000 tấn, giảm 31%; tôn mạ các loại đạt gần 27.000 tấn, giảm nhẹ so với cùng kỳ.
Lũy kế 2 tháng đầu năm, sản lượng thép thô của Tập đoàn Hòa Phát chỉ đạt 809.000 tấn, giảm 42% so với cùng kỳ. Bán hàng thép xây dựng, HRC và phôi thép ghi nhận 877.000 tấn, giảm 34% so với 2 tháng đầu năm 2022.
"Năng lực sản xuất thép thô của Tập đoàn hiện đạt 8,5 triệu tấn/năm, lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để điều tiết sản xuất cho phù hợp, bảo đảm việc làm cho người lao động" - đại diện Hòa Phát thông tin.
Trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành thép 2023, SSI Reseach dự báo nhu cầu trong nước có thể tiếp tục suy yếu do thị trường bất động sản trì trệ và chính sách tiền tệ thắt chặt. Tiến độ của các dự án đang tồn đọng cũng có thể bị chậm lại, do vấn đề thanh khoản của chủ đầu tư bất động sản.
Trong khi đó, kênh hộ gia đình (từng có khả năng phục hồi tốt hơn) cũng có thể bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm của nền kinh tế nói chung, với tỷ lệ thất nghiệp và lãi suất cao hơn. Do đó, nhu cầu thép thành phẩm trong nước có thể giảm ở mức một con số vào năm 2023.